Website hiện đang tạm khóa, vui lòng liên hệ bộ phận hỗ trợ: 0364568908 - admin@goup.website

NGUYỄN THANH XUÂN LÀ AI? – BÀI 01

            Có bao giờ bạn tự hỏi “Woa, sao thời gian trôi nhanh quá, thấm thoát mà mới ngày nào tôi còn tung tăng chơi đùa với lủ bạn, thế mà nay ai cũng có gia đình, con cái. Thoáng một chớp mắt chúng ta đã đi hết nữa đời người?”. Đôi khi tôi cũng giật bắn người vì thời gian sao trôi nhanh quá. Cuộc sống người lớn với biết bao bộn bề, lo toan: nào là cơm áo gạo tiền, lo cho con cái, lại còn phải giải quyết biết bao công việc tại công ty. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng trở nên bận rộn hơn, căng thẳng và áp lực hơn. Đôi khi chúng ta phải lắng lòng lại, tìm một nơi yên tĩnh, bình yên, ngồi tĩnh tâm và nhớ về các ký ức tuổi thơ. Một chân trời hồn nhiên và đầy kỷ niệm, ký ức và đó là “Chân trời tuổi thơ”. Nào hãy cùng Xuân “mua một vé ngồi trên cổ máy thời gian của Chú mèo máy Doremon để quay trở lại tuổi thơ bạn nhé.

            Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống “thuần nông” ở một huyện còn khá nghèo vùng ven của Sài Gòn những năm 1989, cuộc sống ở đây luôn gắn liền với nông nghiệp nên tuổi thơ tôi gắn liền với sông nước, làng quê, bắt cá, mò cua, gieo mạ, cấy lúa…mặc dù mang tiếng là dân Sài Gòn. Đó chính là lý do mà vì sao nhiều bạn bè tôi sau này nghe tôi dân Sài Gòn mà sao biết rành các việc ruộng đồng như dân Miền Tây vậy. Mặc dù cuộc sống quê tôi giai đoạn đó còn khó khăn nhưng tôi rất thích thiên nhiên, sông nước và ruộng đồng. Đó cũng là lý do tôi luôn thích sống hòa mình với thiên nhiên, sông nước không thích nhà trong nội thành ồn ào, náo nhiệt. Mấy đứa bạn thời đó đặt tôi biệt danh “bác nông dân” vì tôi hiền lành, chân chất.

            Lúc mới sinh ra và chưa tròn một tuổi sức khỏe tôi không được tốt lắm và có một đợt “bạo bệnh đứng cận kề giữa giai đoạn thập tử nhất sinh” (Mẹ tôi kể lại). Gia đình phải chạy đôn chạy đáo lên các bệnh viên Nhi của thành phố nhưng đều tiên lượng rất xấu và nói gia đình phải chuẩn bị tinh thần. Mẹ tôi kể giai đoạn đó “khóc hết nước mắt”. Nhưng kỳ diệu thay tôi được một người Ông lớn tuổi có kinh nghiệm làm Thầy lang chữa bệnh cho các bé trong làng quyết định “nhận tôi làm cháu đỡ đầu của Ông đến tận năm tôi 18 tuổi” và chữa lành bệnh mà không hề thu phí một đồng nào. Tôi nhớ Ông và biết ơn Ông rất nhiều.

             Gia cảnh Nhà tôi rất khó khăn lúc đó, Nhà tôi là một căn nhà lá nằm sâu trong một khu đất cách xa thị trấn và trường học, muốn di chuyển từ Nhà đến trường phải đi lại bằng ghe (xuồng), di chuyển bằng chèo bằng tay tới gần 2h mới tới thị trấn và có trường học. Do vậy, Cha Mẹ tôi quyết định gởi tôi cho Bà Ngoại nuôi nấng tôi từ thuở bé xíu đến khi tôi đi học. Hình ảnh Ngoại tóc bạc phơ nhưng luôn chăm sóc và lo cho tôi từng chút một. Tôi quý lắm một món đồ chơi là “chiến xe tải đồ chơi” mà Ngoại mua cho tôi, tôi nâng niu, giữ gìn và chơi cho tới lớn luôn (vì nhà khó khăn nên có một món đồ chơi là quý lắm lắm).

              Đến năm 6 tuổi, chuẩn bị đi học mẫu giáo Cha Mẹ tôi gởi tôi sang nhà Dì 2 của tôi để Anh Chị tiện đưa tôi đi học. Dì 2 nuôi nấng và dạy dỗ tôi đến khi tôi lên tới lớp 6 lúc Cha Mẹ xây được Nhà riêng thì tôi mới chính thức về ở chung với Cha Mẹ. Cuối tuần Cha Mẹ ghé đón tôi về Nhà xuống ruộng chơi rồi đầu tuần lại chở về Nhà Dì đi học.

               Bên cạnh làm nông nghiệp trồng lúa, Cha Mẹ tôi còn nuôi thêm Vịt để bán lấy trứng, đó là nghề nuôi sống gia đình tôi. Tôi luôn nhớ hình ảnh mỗi sáng ra chòi vịt để gom trứng sau một đêm. Tôi thường hỏi Mẹ “Ủa Mẹ ơi sao một con vịt mà nó đẻ nhiều trứng trong một ổ quá Mẹ? Mẹ tôi giải thích là nhiều con vào thay phiên nhau đẻ đó con!”. Hihi…đúng là các câu hỏi trẻ thơ. Bạn có từng hỏi câu hỏi ngây thơ như vậy không nè?

            Tôi nhớ nhất những ngày hè tôi ra đồng chăn vịt phụ Cha Mẹ, nhổ mạ, gặt lúa, tát cá, mò cua, tát mương và làm nhiều việc phụ giúp gia đình: nấu cơm, quét nhà, rửa chén từ rất nhỏ. Chính vì thế đã rèn giũa tôi thói quen tự lập và làm việc từ rất sớm. Cuộc sống cứ thế dần trôi gắn liền với sông nước, ruộng đồng, Cha Mẹ tôi làm nhiều nghề nông, thức khuya dậy sớm để có tiền lo cho tôi và đứa em trai được cắp sách đến Trường và học hành đầy đủ. Mặc dù gia đình nghèo khó khăn nhưng Cha Mẹ thương tôi và em tôi lắm nên tất cả gì đều dành cho con. Nhà tôi ở dưới ruộng xa xôi nên không có điện, tối phải thắm đèn dầu le lói và ngủ trong mùng vì muỗi rất nhiều. Muốn học bài phải thắp đèn dầu hoặc dùng cái đèn “măng song” làm ánh sáng. Mỗi sáng 2-3h Mẹ tôi thường dậy sớm ra chợ để bán cá, tôm sau đó mua lại thực phẩm mang về cho cả Nhà. Tôi nhớ hình ảnh mỗi tuần tôi rất trong mong “Chú bán kem chạy bán trên sông, lâu lâu chú hay chạy ngang ruộng nhà tôi bán kem và bánh trái” –  Tôi mê mệt chiếc ghe bán bánh của Chú.

              Cha tôi là người sống hướng ngoại nhiều, tính Cha tôi hay kể nể và vì bạn vì bè nhiều nên đôi khi ít quan tâm đến gia đình, con cái như Mẹ. Một hình ảnh tuổi thơ mà tôi không bao giờ muốn nhớ đó là những lúc Cha Mẹ tôi cải vả vì tính tình Cha tôi, vì cơm áo, gạo tiền và đặc biệt là vì tiền bạc. Những lúc đó tôi thường khóc và thương Mẹ tôi nhiều lắm, đôi khi tôi “tức giận” và “cãi lời Cha tôi” vì đôi khi hay to tiếng và ức hiếp Mẹ. Mỗi lần như vậy tôi đều đứng về phía Mẹ và bảo vệ Mẹ cả. Đó là những ký ức không được đẹp mà tôi luôn muốn quên và có ấn tượng tuổi thơ “không tốt đẹp với đồng tiền”. Tuy nhiên, sau này khôn lớn trưởng thành tôi mới cảm thông, vị tha cho Cha tôi và biết được lý do gia đình hay lục đục đó chính là cốt lõi “Tài chính gia đình không được tốt”. Nhìn Cha Mẹ lúc nào cũng tảo tần “thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa” để lo cho tôi và em tôi được đầy đủ và an tâm học hành đến nơi đến chốn. Tôi tự hứa với lòng phải học tập thật giỏi, luôn luôn chăm chỉ và nổ lực không ngừng để sau này có kinh tế tốt không để cho gia đình vất vả nữa và chăm sóc cho Cha Mẹ tôi thật tốt sau này. Viết đến đây, tôi rơi nước mắt vì những hình ảnh tuổi thơ gia đình tôi đã quá vất vả ùa về…

             Do hoàn cảnh gia đình khó khăn và tôi ý thức được việc đó, thương Cha Mẹ nên ngoại trừ các dụng cụ, đồ dùng học tập tối thiểu tôi không hề đòi đồ chơi hay ăn vặt này nọ như các bạn đồng trang lứa. Những giờ ra chơi bạn bè rủ nhau ra căn teen Trường mua bánh, đồ chơi này nọ nhưng tôi thì chỉ ngồi trong lớp lấy bài ra ôn hoặc đi tìm chơi trò chơi với mấy đứa bạn vì tôi biết những “đồng tiền trong cặp Cha Mẹ tôi luôn cho tôi đi học là mồ hồi, là nước mắt, là công sức vất vả của Cha Mẹ tôi. Tôi nhớ nhất hình ảnh, mấy đứa bạn ăn vặt này nọ lại còn lại hỏi tôi “Ủa Xuân sao mình thấy bạn ít ăn bánh quá vậy? Tôi cười và nói với bạn: Mình còn no lắm bạn. Nhưng mà trong thâm tâm thấy tụi nó ăn tui cùng thích lắm nhưng tôi quyết tâm không mua mà để tiền tiết kiệm để mua dụng cụ học tập”

             Tôi rất ngoan, hiền và chăm chỉ học tập từ lúc Mẫu giáo nên cô Tuyền dạy tôi năm Mẫu giáo còn nhớ đến tôi và nhận ra tôi lúc tôi đưa con tôi đi học Mẫu giáo có duyên con tôi học đúng lớp của cô Tuyền đã từng dạy tôi lúc nhỏ. Nhìn thấy Cô đã già sắp về hưu mà tôi thương và yêu quý Cô rất nhiều vì đã dạy dỗ cả hai thế hệ.

            Các năm cấp một thấm thoát qua đi với hình ảnh mỗi ngày anh họ tôi đèo tôi “cót két trên chiếc xe đạp đi học” hoặc tôi tự đi học đến trường. Sang đến năm cấp 2, Cha Mẹ tôi dành dụm mua được cho tôi một chiếc xe đạp để tôi tự đi học. Tôi quý chiếc xe đạp đó lắm, mỗi ngày đi học về tôi lau bóng loáng. Trong cặp tôi ngoài cặp vỡ, tôi giữ gìn dụng cụ học tập rất cẩn thận và xếp gọn gàng ngăn nắp. Trong cặp tôi lúc nào cũng có “một sắp” các tờ 200 đồng xếp thẳng tấp để dành trả tiền gởi xe đạp đi học. Năm cấp 2 tôi chỉ tốn 200 đồng mỗi ngày gởi xe đạp đi học hằng ngày thôi. Còn năm cấp 3 thì tôi toàn đi xe đạp và xe buýt đến trường.

            Thấm thoát, 12 năm đèn sách trôi qua là 12 năm liền tôi luôn phấn đấu và nổ lực tự học đạt thành tích học sinh giỏi suốt 12 năm liền. Trong Nhà tôi không có tài sản gì quý giá ngoài những tấm bằng khen mỗi năm của tôi cất kỹ lưỡng trong tủ và sách vở. Bước chân vào đại học tôi chọn thi ngành Bác sĩ đa khoa vì muốn trở thành Bác sĩ chữa bệnh được cho nhiều người nhưng cuối cùng lại thi đậu Ngành kỹ thuật và sau này lại bén duyên đi làm với Thực phẩm. Mới vừa tốt nghiệp phổ thông xong trong thời gian chờ biết kết quả thi đại học, tôi quyết định đăng ký đi làm thêm part-time và đi dạy thêm cho các bé để trang trãi học phí và phụ giúp gia đình.

            Việc dạy thêm cho các bé cho tôi thu nhập rất tốt, nhiều bé đăng ký tôi dạy học tại nhà và thích được “Thầy Xuân dạy học”. Tôi nhớ bé Phong là học sinh cá biệt, ở lại lớp đã 2 năm và rất ngỗ nghịch trong nhà không nghe lời ai cả. Nhưng từ khi tôi vào dạy bé đã bắt đầu chịu học, bé ngoan hơn và biết lễ phép với Cha Mẹ. Nên gia đình bé quý tôi lắm, giờ bé đã lớn qua Mỹ định cư cùng gia đình nhưng lâu lâu bé vẫn còn gọi về nhắc và cảm ơn tôi. Nhìn các bé được tôi dạy hiểu bài, bé học tốt không chỉ ở trường mà tôi còn dạy bé đạo hiếu, sự tử tế và cách ứng xử bên ngoài. Thấy các bé nên người và thành đạt sau này tôi rất hạnh phúc. Thời đó đi dạy thêm mà tôi gói gém trả học phí đại học, tiết kiệm mua được chiếc tivi cho cả nhà. Giờ nghĩ lại thấy thật là vui. Tháng lương đầu tiên của tôi đi làm thêm và đi dạy, cầm trên tay “tôi rơi nước mắt vì hiểu được giá trị của sức lao động và sự vất vả tảo tần của Cha Mẹ tôi”.

             Sau này đi làm và ngay cả khi đã có gia đình nhỏ tôi luôn có kế hoạch và phân bổ tài chính để luôn ưu tiên lo cho Cha Mẹ, gia đình và cho em tôi ăn học có nghề nghiệp vững vàng. Đối với tôi, “gia đình là thứ quan trọng nhất, luôn che chở, bảo bọc và nơi ta quay về yên bình nhất sau một ngày làm việc vất vả”.

            Đó chính là một bức tranh về ký ức tuổi thơ tôi, một tuổi thơ vất vả, khó khăn cùng với gia đình, có nhiều kỷ niệm vui và cả kỷ niệm buồn. Nhìn lại rất nhiều khó khăn đến với tôi nhưng tôi luôn “BIẾT ƠN” hoàn cảnh nơi tôi sinh ra. “BIẾT ƠN” Cha Mẹ đã luôn vất vả và tảo tần lo lắng cho các con. “BIẾT ƠN” những khó khăn và thử thách mà tôi đã trãi qua đã rèn giũa và hình thành nên con người của tôi.

            Nếu bạn hỏi tôi hình ảnh và câu nói gì tôi nhớ nhất về tuổi thơ của mình. Đó chính là: “Hình ảnh ánh trăng tròn soi sáng giữa bầu trời đêm tĩnh lặng, tôi nằm trên chiếc ghe Cha Mẹ tôi chèo ghe mỗi sáng đưa tôi đi học cả chục cây số đến trường”. Và tôi nhớ nhất câu nói của Mẹ tôi “Đời Cha Mẹ đã vất vả quá nhiều, con cố gắng học hành và thành đạt sau này để không phải vất vả như Cha Mẹ nhé con”. Hình ảnh và câu nói này tôi sẽ nhớ, nhớ mãi trong thâm tâm, ghi khắc trong tim không bao giờ quên và cũng là “động lực” giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách sau này.

           Còn rất rất nhiều câu chuyện thú vị về cuộc đời và hành trang cuộc sống của tôi tiếp theo. Hãy cùng tôi khám phá ở phần sau nhé.

            Cảm ơn các bạn đã dành thời gian quý báu đọc hết đến phần này. Mến chúc các bạn thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và bình an. Thân ái, Xuân.